Cách tập luyện cho người tai biến nhanh phục hồi chức năng
Bác sĩ tư vấn chuyên môn bài viết
Dr. Paul D'Alfonso
Phòng khám Maple Healthcare
Tháng chín 6, 2022
Bác sĩ tư vấn chuyên môn bài viết
Dr. Paul D'Alfonso
Phòng khám Maple Healthcare
Sau khi trải qua cơn đột quỵ do tai biến mạch máu não thường để lại cho người bệnh nhiều di chứng nặng nề như: liệt vận động tay chân, mất khả năng ngôn ngữ, rối loạn nhận thức…Tập luyện cho người tai biến là một yếu tố rất quan trọng và cần thiết nhất là đối với các trường hợp liệt nửa người. Đặc biệt, người bệnh cần chăm chỉ và tập luyện từ sớm mới có thể phục hồi tốt. Phòng khám Maple Healthcare sẽ giới thiệu cho bạn những phương pháp luyện tập hiệu quả để cải thiện tình trạng và phục hồi chức năng nhanh sau tai biến.
Lợi ích của tập luyện cho người tai biến
Nhiều người bệnh hạn chế hoặc trì hoãn việc tập luyện sau khi trải qua tai biến mạch máu não vì lo ngại sẽ tác động mạnh đến não bộ. Điều này không đúng mà hoàn toàn ngược lại, tập thể dục rất tốt cho tình trạng này. Ngay cả khi khả năng di chuyển bị hạn chế sau tai biến mạch máu não, bạn vẫn có thể thực hiện một số hình thức tập luyện để cải thiện sức khỏe tổng thể.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, các hoạt động thể chất không chỉ giúp giảm nguy cơ đột quỵ khoảng 25-30% mà còn làm tăng khả năng hồi phục chức năng sau khi trải qua cơn tai biến. Những phương pháp tập luyện phù hợp và đúng cách giúp bệnh nhân phục hồi các chức năng đã mất và có thể trở lại cuộc sống bình thường.
Việc tập luyện sớm và chăm chỉ sau khi trải qua cơn tai biến là điều rất cần thiết. Bởi nó hỗ trợ cho người bệnh cải thiện nhiều yếu tố như: Sức khỏe tim mạch, sức mạnh cơ bắp, sự dẻo dai, khả năng nhận thức, sức khỏe tinh thần, trí nhớ…
Khả năng phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não
Đột quỵ được biết đến là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất hiện nay và thường để lại những hậu quả nặng nề cũng như các biến chứng nguy hiểm. Một vấn đề được nhiều người quan tâm và thắc mắc: Liệu sau tai biến có thể phục hồi được chức năng và sức khỏe hay không?
Như đã nói ở các bài tập luyện hỗ trợ rất tốt cho quá trình phục hồi chức năng sau tai biến. Tuy nhiên hiệu quả đạt được ra sao còn tùy vào mức độ của bệnh, ví dụ: trường hợp bệnh nhân còn trẻ và bị tai biến nhẹ, chỉ bị yếu liệt một nửa cơ thể thì có khả năng phục hồi cao. Ngược lại, nếu bệnh đã nặng, người bệnh bị vỡ mạch máu não thêm vào đó tuổi cao sức yếu thì khả năng phục hồi rất thấp. Do đó, có thể thấy, các yếu tố ảnh hưởng, tác động đến sự phục hồi chức năng của người sau bị tai biến bao gồm:
- Tuổi tác: Thông thường, người bệnh trẻ tuổi sẽ có nhiều thuận lợi hơn người già.
- Tình trạng sức khỏe, mức độ của cơn tai biến: Nếu người bệnh có một thân thể khỏe mạnh kèm theo bệnh nhẹ thì sẽ có khả năng hồi phục sẽ cao hơn.
- Yếu tố tâm lý: Vô cùng quan trọng bởi nhiều người bệnh thường có xu hướng chán nản, buồn rầu, lo âu… Vì thế, để phục hồi nhanh cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ, đồng hành của người thân và đặc biệt bản thân người bệnh phải lạc quan, phấn chấn để quyết tâm, kiên trì tập luyện để đẩy lùi bệnh tật.
Các bài tập cho người bị tai biến phục hồi chức năng tại nhà
Phục hồi chức năng sau tai biến là một quá trình lâu dài, đòi hỏi người bệnh phải kiên trì và nỗ lực tập luyện không chỉ trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mới có thể phục hồi hoàn toàn. Đặc biệt, cách tập luyện cho người bị tai biến cần tuân theo một lộ trình rõ ràng nhắm vào các khu vực và chức năng cụ thể. Có như vậy người bệnh mới có thể khôi phục khả năng phối hợp, sức khỏe và khả năng di chuyển của cơ thể.
Dưới đây là một số bài tập cơ bản tại nhà giúp bệnh nhân tai biến dễ dàng thực hiện và phục hồi chức năng, sức khỏe:
- Tập đứng thẳng và giữ thăng bằng
Sau cơn tai biến đa phần khả năng giữ thăng bằng và phối hợp của bệnh nhân thường sẽ bị mất đi, ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động của họ. Vì vậy, các bài tập đứng và giữ thăng bằng đóng vai trò quan trọng giúp người bệnh có thể phục hồi chức năng và cải thiện di chứng tai biến mạch máu não. Lúc này người thân cần tích cực hỗ trợ người bệnh nỗ lực thực hiện bài tập này.
Trước tiên nên tập duỗi, gấp các bộ phận là khớp gối, khớp háng bên bị liệt rồi từ từ ngồi và đứng dậy. Nếu bệnh nhân còn yếu, hãy đỡ họ đứng thẳng, cân xứng, trọng lượng cơ thể chia đều lên hai chân và giữ thăng bằng. Sau đó, thực hiện các động tác nhẹ nhàng như nghiêng người, vận động đưa hai tay sang phải, sang trái, lên đầu hoặc hướng lên trần nhà… Khi đã đứng vững người bệnh nên tập bước đi lại thường xuyên hơn.
- Tập đi bộ
Cách phục hồi nhanh chóng, hiệu quả nhất cho người bị tai biến chính là tự đứng lên rồi bước đi được. Do đó, khi đã đứng vững thì người bệnh nên luyện tập đi bộ tối thiểu mỗi ngày là 15 phút. Trong khoảng thời gian đầu có thể sẽ cần người thân hỗ trợ, giúp đỡ hoặc tập đi với nạng. Nếu thường xuyên và chịu khó kiên trì tập luyện thì càng về sau người bệnh càng tiến bộ và có thể tự đi được.
- Bài tập tay
Sau khi trải qua đột quỵ người bệnh bị mất chức năng và sự khéo léo của đôi bàn tay khiến những việc đơn giản hàng ngày cũng trở nên khó khăn hơn. Do đó, để phục hồi chức năng sau cơn đột quỵ thì các bài tập tay là 1 phần không thể thiếu trong chế độ luyện tập cho người bệnh.
Phương pháp được khuyến khích vận động cưỡng ép bên tay liệt hạn chế sử dụng bàn tay khỏe mạnh mà thay vào đó cố gắng thực hiện các hoạt động nhiều lần bằng tay liệt. Các bài tập phục hồi chức năng cánh tay mà bệnh nhân có thể luyện tập như: Đặt các ngón tay quanh tay cầm của tủ lạnh, luyện tập mở và đóng cửa tủ lạnh. Bài tập để tuýp kem đánh răng trong bàn tay bị yếu và cố gắng nặn kem, cầm bàn chải bằng tay khỏe mạnh. Bài tập bật và tắt công tắc bằng tay yếu…
- Bài tập chân
Khó khăn khi đứng và đi lại sau tai biến có thể liên quan đến các vấn đề về giữ thăng bằng cũng như sức khoẻ của chân và khả năng vận động. Những bài tập đứng và giữ thăng bằng dưới đây có thể giúp bạn cải thiện cơ bắp chân cũng như hỗ trợ chuyển động trong quá trình hồi phục.
– Đứng thẳng trên một bề mặt ổn định rồi chuyển trọng lượng cơ thể sang một bên chân
– Bắt chéo chân bên lành sang bên bị liệt rồi giữ tư thế trong khoảng 3 – 5 phút hoặc khi chân liệt không còn run, giật thì dừng.
– Lặp lại động tác rồi đổi chân
- Bài tập vai, cổ
Nhiều hoạt động hàng ngày phụ thuộc vào sức mạnh của vai, cổ ví dụ như nắm và thả đồ vật, di chuyển cánh tay và nâng đỡ đồ vật bằng cánh tay. Các bài tập cho vai, cổ cũng góp phần hồi phục chức năng tổng thể hiệu quả cho người bị tai biến. Động tác tập cổ: người bệnh từ từ ngồi dậy nhẹ nhàng rồi tập ngoái cổ về phía 2 bên vai, phía sau hoặc cúi đầu, ngẩng lên…
Tập vai qua động tác nhún vai đơn giản: người bệnh ngồi hoặc đứng trước gương để thấy toàn bộ chuyển động của cơ thể. Sau đó, nâng vai không bị ảnh hưởng lên theo hoạt động nhún vai, giống như cách bạn làm khi không biết câu trả lời cho một câu hỏi nào đó, thực hiện lặp lại bài tập nhiều lần.
- Luyện tập khả năng nói
Rối loạn chức năng ngôn ngữ cũng là một trong những di chứng nặng nề mà tai biến mạch máu não gây ra cho người bệnh. Có khoảng 20% bệnh nhân bị tai biến sẽ biến mất tiếng nói vì thế người nhà nên giúp đỡ, khuyến khích người bệnh tập luyện khả năng nói bằng cách đơn giản như: đọc bảng chữ cái, đếm số, ngày tháng năm… rồi dần dần tăng lên độ khó như: mô tả đồ vật xung quanh, tập đọc đoạn văn ngắn hoặc dài.
Lưu ý, không nên để người bệnh tập luyện quá nhiều và lâu trong một ngày mà thay vào đó hãy tập từ mức độ dễ đến khó và quan trọng là không ép buộc. Nên thay đổi các bài tập khác nhau để tránh sự nhàm chán, tạo một môi trường vui vẻ và có bạn đồng hành để người bệnh cảm thấy thoải mái trong quá trình tập luyện.
- Hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày
Đây được coi là một bài tập vật lý trị liệu cho người bị tai biến quen thuộc và phổ biến được nhiều người áp dụng. Người nhà có thể hỗ trợ cho bệnh nhân biết tự làm vệ sinh cá nhân và thực hiện các hoạt động hàng ngày như: thay quần áo, đánh răng, tắm rửa, ăn uống, chải đầu, dùng khăn lau mặt, với tay lấy đồ… nhưng nhớ phải di chuyển khéo léo, nhẹ nhàng.
- Tập luyện yoga
Yoga là một trong những phương pháp giúp cải thiện di chứng sau đột quỵ khá tốt, người bệnh có thể áp dụng tại nhà. Các động tác yoga có thể giúp bệnh nhân đột quỵ giữ thăng bằng tốt hơn, nhờ đó mà việc vận động trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra tập luyện yoga còn rất tốt cho não bộ, cải thiện cao huyết áp, giúp tăng cường trí nhớ, giảm căng thẳng stress, cải thiện thừa cân và ổn định cholesterol…
Một số điều lưu ý khi tập luyện cho người bị tai biến
- Loại bỏ nguy cơ gây tai biến: Hiểu đơn giản là khi bạn cảm thấy sức khỏe của mình có dấu hiệu bất ổn hay có nguy cơ mắc một số bệnh là tiền thân của đột quỵ như: huyết áp, tim mạch, tiểu đường, … thì cần chủ động theo dõi cơ thể và đến bệnh viện thăm khám để điều trị kịp thời.
- Việc tập luyện phục hồi chức năng cần kiên trì và thực hiện đều đặn: Như đã đề cập, phục hồi sức khỏe cũng như chức năng sau tai biến là một hành trình dài và rất gian truân. Vì vậy người bệnh cần sự kiên trì, nỗ lực và quyết tâm cao độ. Cùng với đó là sự quan tâm, động viên thường xuyên của người thân sẽ giúp bệnh nhân có thêm động lực tập luyện, tăng khả năng phục hồi.
- Quan sát, hỗ trợ bệnh nhân khi luyện tập: Người thân trong gia đình nên ở bên cạnh chú ý, quan sát và hỗ trợ kịp thời khi người bệnh luyện tập. Nhưng lưu ý nên để người bệnh tự giác, chủ động tập luyện nhiều hơn và chỉ giúp đỡ khi thực sự cần thiết.
- Chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho người bệnh: Để giúp người bệnh phục hồi chức năng sau tai biến nhanh chóng cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng. Thực phẩm của người bị tai biến cần được chế biến mềm để dễ hấp thu và tiêu hóa. Nên chọn mua nguồn thực phẩm xanh sạch an toàn và tuyệt đối tránh xa đồ ăn thức uống lên men, đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ hay các chất kích thích, thức uống gas..
Có thể thấy rằng, việc thực hiện các bài tập chức năng sẽ mang lại khả năng phục hồi cao cho người bị tai biến. Đồng thời còn hỗ trợ bệnh nhân trên nhiều phương diện như tâm lý, sức khoẻ tổng thể và ngăn ngừa đột quỵ tái phát. Hy vọng với những bài tập hữu ích mà Maple Healthcare tổng hợp và chia sẻ trên đây sẽ giúp người bệnh phục hồi chức năng sau tai biến một cách hiệu quả và an toàn. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần giải đáp vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.
ĐẶT LỊCH HẸN
TIN TỨC NỔI BẬT
CÔNG TY TNHH LÁ PHONG QUỐC TẾ
Trụ sở: 107B Trương Định, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, HCM.
Điện thoại: 0705 100 100
Mã số thuế: 0311948301
Ngày cấp: 21 - 08 - 2012
Nơi cấp: Sở kế hoạch và đầu tư TP.HCM
Thành viên Group Healthcare
MAPLE HEALTHCARE - CÔNG TY TNHH LÁ PHONG QUỐC TẾ