Thấp khớp là gì? Dấu hiệu nhận biết sớm và cách điều trị
Bác sĩ tư vấn chuyên môn bài viết
Dr. Paul D'Alfonso
Phòng khám Maple Healthcare
Tháng ba 16, 2023
Bác sĩ tư vấn chuyên môn bài viết
Dr. Paul D'Alfonso
Phòng khám Maple Healthcare
Các bệnh lý về cơ xương khớp luôn là nỗi sợ hãi của rất nhiều người ở độ tuổi trung niên, một trong số đó phải kể đến là bệnh thấp khớp. Không chỉ khiến cơ thể đau nhức, đi đứng khó khăn mà bệnh còn có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Vậy thấp khớp là gì, dấu hiệu nhận biết bệnh và cách chữa trị ra sao… Maple mời bạn đọc tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau.
Thấp khớp là gì?
Thấp khớp là thuật ngữ miêu tả các bất thường có liên quan đến cơ và khớp. Bệnh do nhiễm liên cầu khuẩn huyết tán làm viêm nhiễm phần dịch khớp khiến hệ miễn dịch chống lại các mô tế bào khỏe mạnh của cơ thể, từ đó gây ra các triệu chứng đặc trưng là đau, sưng và cứng khớp. Tuy nhiên, ngày nay các bác sĩ đã không còn sử dụng thuật ngữ này vì thấp khớp được xem như một từ cũ không mang ý nghĩa rõ ràng.
Thấp khớp có 2 dạng chính:
- Thấp khớp liên quan tới khớp: là tình trạng ảnh hưởng trực tiếp đến khớp xương bao gồm viêm khớp dạng thấp, gout, lupus, viêm đốt sống…
- Thấp khớp không liên quan đến khớp: là tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến các cơ và phần mô mềm như viêm khớp dạng thấp.
Nguyên nhân gây ra tình trạng thấp khớp
Thấp khớp xảy ra khi hệ thống miễn dịch bị rối loạn, tức là thay vì bảo vệ lại quay sang tấn công màng hoạt dịch và khởi phát quá trình viêm. Tình trạng viêm sẽ làm dày bao hoạt dịch, phá hủy sụn và xương trong khớp. Đồng thời cũng khiến cho các gân và dây chằng giữ khớp yếu đi và căng ra. Dần dần, khớp mất đi hình dạng ban đầu và sự liên kết ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh.
Thực tế cho đến nay, y học vẫn chưa xác định rõ đâu là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thấp khớp nhưng những yếu tố dưới đây được cho là có nguy cơ cao dẫn đến bệnh lý này, cụ thể:
- Do gen di truyền: Nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh, bạn sẽ có nguy cơ cao bị thấp khớp.
- Do giới tính: bệnh thấp khớp xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới, bởi thể trạng sức khỏe của phụ nữ thường yếu hơn và phải trải qua các thời kỳ mang thai, sinh nở, tiền mãn kinh, mãn kinh,…
- Do độ tuổi: người trưởng thành, lớn tuổi sẽ dễ mắc bệnh thấp khớp hơn trẻ em do sự lão hóa tự nhiên của cơ thể.
- Do hút thuốc lá: các nghiên cứu đã chỉ ra rằng với những người hút thuốc nhiều sẽ làm tăng 21% nguy cơ mắc viêm khớp. Đặc biệt, thuốc lá còn làm mất sụn và gãy xương cao gấp 2 lần so với người bình thường.
- Chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý: người bị thừa cân và béo phì sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp cao hơn người thường. Ngoài ra, việc sử dụng thực phẩm giàu chất béo bão hoà, thiếu chất chống oxy hóa, sử dụng chất kích thích… cũng dễ mắc bệnh về xương khớp.
- Do nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, xăng dầu, thuốc trừ sâu, ví dụ như: những người làm nghề sơn sửa móng tay chân, thợ sơn, thường xuyên sử dụng acetone, nông dân tiếp xúc với thuốc trừ sâu sẽ dễ mắc bệnh thấp khớp hơn.
- Do ít vận động, ngồi sai tư thế: nhân viên văn phòng, công sở thường làm việc trước màn hình máy tính trong nhiều giờ, ít vận động khiến cơ bắp bị co cứng, tăng áp lực lên cột sống, đặc biệt là khớp cổ và sống lưng.
Dấu hiệu nhận biết bệnh thấp khớp
Khi bị thấp khớp, các vị trí khớp bị tổn thương thường gặp là ở khớp cổ tay, khớp bàn ngón, khớp ngón tay, khớp gối, khớp cổ chân, khớp khuỷu, khớp vai… Người bệnh sẽ cảm thấy đau và sưng khớp do tình trạng viêm khiến khớp luôn tiết dịch bên trong. Cơn đau sẽ tồi tệ hơn vào buổi sáng và trở nặng hơn khi cố sức cử động. Ngoài ra còn có các biểu hiện như:
- Bị sốt nhẹ, cơ thể uể oải và mệt mỏi.
- Khớp dần trở nên tê cứng và có thể xảy ra tình trạng biến dạng khớp do sụn và xương dưới sụn bị tổn thương.
- Đôi khi xuất hiện những nốt mẩn nhỏ dưới da.
Nếu không được kiểm soát, sau một thời gian bệnh sẽ diễn tiến thành mạn tính, các khớp nhanh chóng bị biến dạng như bàn tay gió thổi, cổ tay hình lưng lạc đà, ngón tay hình cổ cò, ngón tay gần hình thoi, các khớp bàn ngón biến dạng, đứt gân duỗi ngón tay, gan bàn chân tròn, ngón chân hình vuốt thú…
Ở giai đoạn muộn sẽ xảy ra tổn thương viêm tại các khớp lớn hơn như: vai, háng, cột sống cổ… gây những biến chứng về thần kinh (có thể liệt tứ chi).
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh thấp khớp
Bệnh thấp khớp không chỉ đơn thuần là những cơn đau nhức tại các khớp. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh có thể gây ra các biến chứng và làm tổn hại tới các bộ phận khác của cơ thể như cơ bắp, mắt, miệng, tim, phổi. Đặc biệt, thấp khớp làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh khác bao gồm:
- Loãng xương: bệnh thấp khớp cùng với một số loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh có thể làm tăng nguy cơ loãng xương khiến xương trở nên giòn, dễ gãy hơn.
- Hình thành các khối mô cứng xung quanh khớp chịu áp lực lớn, chẳng hạn như khuỷu tay. Thậm chí, những nốt này còn có thể hình thành ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, kể cả phổi.
- Khô mắt và miệng: người bệnh có nhiều khả năng mắc hội chứng Sjogren – một rối loạn làm giảm độ ẩm trong mắt và miệng.
- Nhiễm trùng: bản thân bệnh thấp khớp và nhiều loại thuốc được sử dụng trong khi điều trị có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch, gia tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Hội chứng ống cổ tay: tình trạng viêm khớp tác động lên cổ tay có thể chèn ép dây thần kinh ở bàn tay gây ra hội chứng ống cổ tay.
- Bệnh phổi: người mắc bệnh viêm khớp có nguy cơ bị viêm nhiễm và để sẹo trong mô phổi, có thể dẫn đến khó thở.
- Bệnh tim mạch: người bệnh có nguy cơ gặp các vấn đề về tim mạch: bị xơ cứng và tắc nghẽn các động mạch cũng như viêm túi bao quanh tim.
- Ung thư hạch bạch huyết: một nhóm ung thư máu phát triển trong hệ thống bạch huyết.
Do vậy, khi có cơn đau nhức bất thường xảy ra dù là ở vị trí khớp nào, đừng chủ quan, bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe cơ xương khớp của bạn đang có vấn đề.
Cách điều trị bệnh thấp khớp
Không có phương pháp nào có thể chữa trị dứt điểm tình trạng thấp khớp nhưng các triệu chứng của bệnh có thể thuyên giảm bằng cách:
Điều trị bằng thuốc
Dựa trên tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ kê toa các loại thuốc thường dùng trong điều trị bệnh thấp khớp bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): giúp giảm đau và giảm viêm. Tuy nhiên, thuốc có thể gây các phản ứng phụ như kích ứng dạ dày, thận và các vấn đề về tim.
- Thuốc corticosteroid như prednisone giúp kháng viêm và giảm đau, hỗ trợ làm chậm sự phá hủy khớp. Tác dụng phụ của thuốc là làm mỏng xương, tăng cân và tiểu đường.
- Nhóm thuốc chống thấp khớp cải thiện bệnh (DMARDs). Những loại thuốc này có thể làm chậm quá trình phá hủy của viêm khớp dạng thấp nhằm bảo vệ khớp và các mô. Phản ứng phụ bao gồm: ức chế tủy xương, tổn thương gan và nhiễm trùng phổi nặng. Do đó, khi đạt hiệu quả sẽ giảm liều dần và thay thế bằng thuốc chống viêm không steroid.
- Các thuốc giảm đau: Tramadol,Paracetamol, Codeine,….
Vật lý trị liệu: phục hồi chức năng, chống dính khớp
Bên cạnh việc dùng thuốc, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân kết hợp với các bài tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Các bài tập này sẽ được thiết kế phù hợp với từng mức độ qua đó giúp người bệnh giảm cứng và đau khớp, chống dính khớp. Ngoài ra, để tránh các động tác có thể gây ra đau hay khiến người bệnh căng thẳng, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân tập cùng với các thiết bị hỗ trợ khác nhau.
Phẫu thuật
Khi các phương pháp điều trị kể trên không có tác dụng hoặc khi tình trạng thấp khớp đã trở nên quá nghiêm trọng người bệnh sẽ cần đến phẫu thuật. Mục đích của phẫu thuật là để phục hồi chức năng bị mất đi do thấp khớp, sửa chữa lại những phần khớp bị phá hủy. Một số phẫu thuật mà bệnh nhân thấp khớp có thể được chỉ định bao gồm:
- Thay thế khớp: loại bỏ các khớp bị tổn hại và thay thế bằng khớp giả.
- Làm chảy khớp: làm chảy khớp và định hình lại chúng.
- Sửa chữa dây chằng: khi thấp khớp tiến triển nặng sẽ khiến dây chằng xung quanh bị tổn thương. Vì vậy cần phẫu thuật để chỉnh sửa lại chúng giúp khớp khỏe hơn.
Chế độ ăn uống đối với người bệnh thấp khớp
Như đã nói, bệnh thấp khớp là bệnh lý chưa rõ nguyên nhân và rất khó điều trị dứt điểm. Ngoài các phương pháp điều trị, người bệnh cũng cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý và ăn uống khoa học.
Bên cạnh các loại thực phẩm có chứa lượng lớn chất dinh dưỡng, chất chống oxy hóa giúp kiểm soát viêm và cải thiện sức khỏe tốt. Người bệnh cần bổ sung vào chế độ ăn để hỗ trợ điều trị triệu chứng bệnh, ngăn ngừa biến chứng. Cũng có một số loại thực phẩm chứa thành phần kích thích phản ứng viêm, tăng sưng đau và cứng khớp. Người bệnh cần nhận diện để kiêng ăn, thậm chí loại bỏ chúng ra khỏi thực đơn để ngăn ngừa bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn.
Bị thấp khớp kiêng ăn gì?
- Tránh thực phẩm giàu chất đạm, chế biến sẵn
Các loại thực phẩm như thịt đỏ, trứng, sữa, hải sản… có thể kích thích quá trình viêm tại khớp, dễ làm khớp sưng và tăng cảm giác đau nhức. Nguyên nhân là vì chúng thúc đẩy quá trình sản xuất interleukin-6 (IL-6), giải phóng ra Prostaglandin gây nên các phản ứng viêm tại khớp.
- Thực phẩm giàu tinh bột, chứa hàm lượng gluten cao
Một số loại thực phẩm giàu tinh bột hay có chứa nhiều gluten như ngũ cốc, lúa mạch, lúa mì, bột sắn, bánh mì… có thể sẽ khiến tình trạng viêm trở nên nghiêm trọng hơn. Do vậy, người bị thấp khớp nên kiêng ăn gì thì một trong số đó phải bao gồm các món ăn chế biến từ các loại thực phẩm giàu tinh bột kể trên.
- Thực phẩm nhiều đường và carbohydrate tinh chế
Ăn nhiều đồ ngọt không tốt cho tất cả mọi người và với những ai bị viêm khớp dạng thấp cũng không ngoại lệ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nạp quá nhiều thực phẩm chứa đường và carbohydrate tinh chế sẽ gây suy yếu hệ miễn dịch, kích thích tạo ra các chất tiền viêm cytokine làm làm trầm trọng hơn các triệu chứng thấp khớp cũng như gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Do đó, các loại bánh ngọt, bánh kem, thực phẩm chứa nhiều đường là khắc tinh của chứng thấp khớp.
- Thức ăn nhiều muối
Nạp quá nhiều muối có thể gây tích nước trong cơ thể dẫn đến sưng phù và làm tăng áp lực lên các khớp. Đặc biệt, nếu bạn đang dùng thuốc steroid điều trị, các triệu chứng sẽ có xu hướng trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, người bệnh viêm khớp dạng thấp nên hạn chế ăn nhiều muối, tốt nhất là duy trì chế độ ăn ít hơn 10g muối mỗi ngày.
- Giảm thực phẩm giàu axit oxalic và omega-6
Thực phẩm giàu axit oxalic và omega-6 được liệt vào danh sách đen của những người mắc bệnh xương khớp, nhất là thấp khớp. Vì những chất này sẽ kích thích phản ứng viêm nhiễm ở các khớp.
- Kiêng các loại thịt đỏ
Người bị viêm khớp nên kiêng các loại thịt đỏ như: Thịt bò, thịt trâu, thịt heo, thịt dê… Bởi các loại thịt này chứa một lượng lớn chất béo bão hòa, có khả năng kích thích các phản ứng viêm và làm tăng trọng lượng cơ thể.
- Nước ngọt, rượu bia và chất kích thích
Nước ngọt có ga chứa hàm lượng cao chất aspartame – một chất có thể kích thích phản ứng viêm, đặc biệt là ở người bệnh thấp khớp. Rượu bia và các chất kích thích như thuốc lá… lại chứa rất nhiều độc tố gây hại cho sức khỏe, làm tăng mức độ các cơn đau nhức khớp.
- Gia vị cay
Các loại gia vị cay như ớt, tiêu, mù tạt… sẽ gây nên các cơn nóng rát ở khớp và làm các mô bị sưng nặng hơn. Do vậy người bệnh viêm khớp dạng thấp được khuyến khích nên kiêng ăn chúng.
- Sản phẩm từ sữa
Chúng ta thường được khuyên uống dùng các sản phẩm từ sữa (như sữa tươi, sữa chua, phô mai…) để cung cấp đủ canxi và vitamin D cho cơ thể. Thế nhưng, sữa cũng góp phần làm tăng tình trạng viêm ở người bệnh thấp khớp do chúng chứa chất béo bão hòa – tác nhân gây viêm.
- Một số loại rau củ người mắc thấp khớp nên kiêng
Ăn nhiều rau xanh rất tốt nhưng có những loại rau củ người thấp khớp nên hạn chế như là: nấm, măng tây, súp lơ, cây họ đậu… Vì nó sẽ làm gia tăng phản ứng viêm trong cơ thể và khiến quá trình điều trị gặp khó khăn hơn.
Thực phẩm người bị thấp khớp nên ăn
Ngoài việc tìm hiểu bị thấp khớp kiêng ăn gì thì người bệnh cũng cần phải biết đến những thực phẩm tốt cho cơ thể và hỗ trợ cho quá trình điều trị. Nếu bạn đang bị viêm khớp dạng thấp nên lưu ý bổ sung các thực phẩm sau trong thực đơn hàng ngày:
- Ăn nhiều rau xanh
Các loại rau xanh chứa nhiều vitamin A, C, K và khoáng chất nên có trong chế độ ăn của người bị viêm khớp dạng thấp là: bông cải xanh, cải xoăn, rau bina, súp lơ, bắp cải… Các loại rau này giúp tăng cường sức đề kháng, làm chậm quá trình tổn thương xương khớp, ngăn chặn phản ứng viêm.
- Thực phẩm giàu omega-3
Một số loại cá có chứa EPA, DHA, Omega-3 như cá ngừ, cá hồi, cá thu, cá trích, các loại hạt lanh, hạt chia, óc chó…sẽ ức chế sự viêm nhiễm trong cơ thể. Do đó, những người bị bệnh nên tăng cường các thực phẩm này nhằm bổ sung dưỡng chất, giảm triệu chứng viêm, sưng các khớp xương.
- Dầu ô liu
Dầu ô liu là một nguồn giàu axit béo không bão hòa đơn (MUFA) dồi dào, đặc biệt là các hợp chất phenolic có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm mạnh. Người thấp khớp thường xuyên sử dụng dầu ô liu sẽ giúp chống lại chứng viêm hữu hiệu.
- Các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt
Khi ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, yến mạch, quinoa…) và các loại hạt (óc chó, hạnh nhân, macca…) bạn có thể giảm cholesterol trong máu cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, viêm khớp. Chúng cũng là nguồn cung cấp protein, vitamin và khoáng chất chống oxy hóa dồi dào tốt cho cơ thể.
- Bổ sung tỏi, gừng, nghệ và hành
Một số loại củ chứa các hoạt chất chống viêm tự nhiên, kích thích hệ miễn dịch nên rất được người bệnh viêm khớp ưa chuộng như: gừng, nghệ, tỏi, hành…
- Thêm các loại quả mọng vào thực đơn
Các loại quả mọng như: dâu tây, việt quất, nho, mận, anh đào… rất tốt cho người bị viêm khớp. Bởi chúng chứa hàm lượng lớn folate anthocyanins, vitamin, giúp chống sưng và giảm viêm.
Với những chia sẻ của Maple về bệnh thấp khớp trên đây, hy vọng đã giúp bạn hiểu thêm về bệnh thấp khớp, các dấu hiệu nhận biết cũng như các phương pháp chữa trị hiệu quả. Đừng để các cơn đau viêm khớp làm phiền đến bạn, liên hệ ngay với Maple để được các bác sĩ chuyên khoa của chúng tôi chẩn đoán đúng và có phác đồ điều trị phù hợp.
Chia sẻ:
Đặt lịch hẹn cùng Maple Healthcare để được tư vấn và thăm khám chuyên sâu bởi đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm.
ĐẶT HẸN NGAY
TIN TỨC NỔI BẬT
CÔNG TY TNHH LÁ PHONG QUỐC TẾ
Trụ sở: 107B Trương Định, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, HCM.
Điện thoại: 0705 100 100
Mã số thuế: 0311948301
Ngày cấp: 21 - 08 - 2012
Nơi cấp: Sở kế hoạch và đầu tư TP.HCM
Thành viên Group Healthcare
MAPLE HEALTHCARE - CÔNG TY TNHH LÁ PHONG QUỐC TẾ